Làng “hỏi xoáy - đáp xoay”

20:26 - 07/02/2021

“Ai về Can Vũ mà coi/Nói tức chết người mà vẫn thèm nghe” - đó là câu nói dân gian về làng Can Vũ, xã Việt Hùng (huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Người ngoài gọi làng Can Vũ thì ít, mà gọi làng Can “tức” thì nhiều. Song nơi đây không chỉ lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc tạo tiếng cười vui vẻ, mà còn là điểm sáng trong bức tranh xây dựng Nông thôn mới.

hoa xoay dap xoay

“Nói tức” không chỉ góp phần tạo nên tiếng cười vui vẻ, sảng khoái, mà còn là nét văn hóa đặc sắc ở Can Vũ

Món ăn tinh thần độc đáo
Theo sử sách còn lưu giữ được và lời kể của các bậc cao niên, làng Can Vũ trước đây do một vị tướng theo Thánh Gióng đi đánh trận lập nên. Khi Thánh Gióng xông trận phá giặc ngoại xâm, vị tướng cùng dân trong làng đi theo phò tá. Thay vì sử dụng sức lực, đội quân này lại sử dụng tuyệt chiêu “nói tức, nói móc” để trêu quân địch đến độ quân địch bực tức, nhốn nháo đội hình, kết quả bị quân Thánh Gióng đánh chạy tan tác.
Từ từ rót chén trà mời khách, cụ Nguyễn Văn Định (85 tuổi) - một bậc cao niên trong làng cho biết, từ xưa làng Can Vũ đã nổi tiếng về lối ăn nói “hỏi xoáy, đáp xoay”. Người nói tức luôn phải giữ phong thái điềm đạm, từ tốn tạo nên tính thật thà, chân thật nhưng lại khiến người nghe bực mình, điên tiết, sôi gan, sôi ruột. Người đạt đến trình độ cao, nói tức phải nhẹ nhàng như hát, người khác có bực bội nhưng vẫn phải cười vui vì sự dí dỏm, thâm sâu của mình, ấy mới là nghệ thuật.

Cụ kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện vui về thói nói tức của người Can Vũ: Bữa ấy, có một cậu thanh niên ở Đồng Sài (làng “nói khoác” nức tiếng ở Phù Lãng - PV) lên chơi, kể rằng dưới quê mới đào được một củ khoai lang khổng lồ, rễ to đâm thủng chân đê, cả làng phải khiêng về luộc mấy hôm mới chín, thay nhau quạt vài ngày mới nguội… Nghe câu chuyện hoang đường, mọi người đều cười lăn lóc, bỗng một lão nông từ tốn lên tiếng: “Thảo nào hôm trước có tốp người dưới ấy lên đây xin mượn nồi”. Củ khoai to như thế, quả thực cần phải có chiếc nồi to hơn mới luộc nổi. Lão nông Can Vũ đã “cao tay hơn một nước”, nên cậu thanh niên Đồng Sài ngậm ngùi ôm “cục tức” trở về.
“Dân làng tôi là thế, tất cả cũng ở cái “tình” thôi! Những câu nói đều bắt nguồn từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chủ yếu dựa vào sự nhanh nhạy, sắc sảo trong lời ăn tiếng nói, nói theo kiểu ngụ ý hoặc dựa vào chính lời nói của người khác để châm biếm. Đây được xem là văn hóa đặc sắ‌c riêng của vùng Kinh Bắc cổ, mang đến tiếng cười sảng khoái, xua đi những khó nhọc thường ngày”, cụ Định bộc bạch.
Nói đoạn, cụ giới thiệu chúng tôi tới nhà ông Nguyễn Đức Bang (75 tuổi), cũng là một bậc cao niên nói tức ở làng. Ngay khi bước chân đến cửa, chúng tôi được thưởng thức ngay “món đặc sản”: “Mời nhà báo vào, cửa nhà hơi thấp nhà báo đi cẩn thận kẻo cụng đầu”. Nghe xong, cậu đồng nghiệp đi cùng hơi “cay mũi”, bởi vóc dáng của cậu khá khiêm tốn, nhưng với nụ cười thân thiện của ông khiến chúng tôi không thể giấu một tràng cười sảng khoái.
Ông Bang kể, dân ở đây ai cũng biết nói tức, những câu chuyện của làng Can Vũ đề cập đến đủ loại đối tượng, vợ chồng, con dâu, bố chồng cũng nói tức nhau, thậm chí còn “động chạm” đến cả những vấn đề xã hội nhức nhối. Như câu chuyện ngày trước, ông Bùi Cẩn Công khi đó là Chủ nhiệm hợp tác xã Việt Hùng dẫn đoàn công tác cấp trên về Can Vũ. Tới cổng làng, thấy cụ Nghiễn lúi húi bên bờ ao liền hỏi: “Dãy ao này thả cá chưa?”. Cụ Nghiễn trả lời: “Dạ thưa đã thả 800 con cá chày đỏ mắt”. Đoàn công tác tưởng ông Nghiễn nói thật, gật gù nhưng dân làng thì được một mẻ cười bõ tức. Nguyên do ao làng thả cá bị thua lỗ, dân khốn khổ, nhưng cán bộ xã lại báo cáo lên cấp trên là toàn có lãi. Nhân có đoàn cán bộ về cụ Nghiễn muốn gửi thông điệp: 800 người dân Can Vũ đang khóc đỏ mắt vì nuôi cá bị lỗ.
Hiện nay, người Can Vũ vẫn sử dụng nói tức trong cuộc sống hàng ngày. Những lời nói tuy thâm sâu nhưng không hề có một mục đích xấu nào. Nói tức cốt chỉ để giải tỏa căng thẳng, để mua vui, đây cũng là một cách để thể hiện tài năng ứng đối của mình và để làm thân với nhau hơn, vì thế sau cái nhíu mày vì bị nói tức bao giờ cũng là những tiếng cười giòn giã…
Miền quê no ấm
Rời nhà ông Bang khi nắng đã lên đến đỉnh đầu, chúng tôi dạo một vòng dọc ngang ngõ xóm, đắm chìm trong khung cảnh làng quê dung dị, yên bình. Nhịp sống ngày cuối năm như chậm lại, bên gốc đa cổ thụ, một vài cụ già ngồi chơi cờ, mấy em nhỏ tíu tít nô đùa…
Hướng ánh mắt về phía những con đường nội thôn được thảm bê tông rộng rãi, sạch sẽ, hai bên đường nhà cao tầng mọc lên san sát, ngập tràn sắc hoa, minh chứng cho cuộc sống ấm no hạnh phúc của người dân nơi đây, Bí thư Chi bộ thôn Can Vũ Nguyễn Đức Ngọc hồ hởi: So với các thôn trong xã, Can Vũ nhỏ cả về diện tích lẫn dân số, song lại là điểm sáng trong bức tranh phát triển trên mọi lĩnh vực đời sống, văn hóa. Lùi về quá khứ, truyền thống “nói tức” đã góp công đánh đuổi giặc ngoại xâm, trong thời đại mới hôm nay, sức dân, nét văn hóa quý báu ấy lại được phát huy, lan tỏa góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

hoa xoay dap xoay1

Đời sống văn hóa tinh thần ở làng “hỏi xoáy-đáp xoay” Can Vũ ngày càng được nâng cao

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã, thôn Can Vũ lồng ghép các chương trình, vận động nhân dân tham gia đóng góp vật chất, ngày công lao động để hoàn thành xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng như: Đường giao thông, chợ, nâng cấp nhà văn hóa, lắp hệ thống đường điện chiếu sáng... đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đến nay, toàn thôn có 320 hộ thì chỉ còn 3 hộ nghèo. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, đời sống người dân ngày càng khấm khá, thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nhà cao tầng, kiên cố đạt hơn 90%; 5 năm liên tiếp Can Vũ đạt danh hiệu Làng văn hóa và Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tình hình an ninh trật tự được giữ vững... Vào mỗi buổi chiều, tại nhà văn hóa thôn, người dân sôi nổi chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe, tiếng cười, tiếng nói vang vọng cả làng quê.
Thêm một mùa xuân mới lại về, mang theo nhiều niềm vui và hy vọng, lạc quan. Can “tức” đã và đang “thay da đổi thịt”, nhưng cái hồn cốt của làng quê trong mỗi câu chuyện, cái tếu táo trong từng mẩu đối đáp vẫn được lưu giữ. Để rồi, những câu chuyện sẽ nối tiếp nhau, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ đi sau bằng văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng cả tình yêu, niềm tự hào của con trẻ về một miền quê no ấm nhưng lại có cái tục “nói tức chết người mà vẫn thèm nghe”…

https://vanhien.vn/news/lang-%E2%80%9Choi-xoay--dap-xoay%E2%80%9D-82303