Kim ngạch XK hàng thủ công mỹ nghệ sẽ đạt trên 4 tỷ USD năm 2025

19:16 - 23/11/2020

Với nhu cầu tăng lên ở các thị trường, việc giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do và tăng cường năng lực của các DN sẽ thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ VN đạt trên 12%/năm, dự kiến có thể đạt trên 4 tỷ USD vào năm 2025.

unnamed.jpg
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thu hút người tiêu dùng.

Kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng dù ảnh hưởng Covid-19

Ngành nghề nông thôn, làng nghề là một nét bản sắc riêng của nền kinh tế, văn hóa Việt Nam từ lâu đời, giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông thôn Việt Nam.

Việc phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề góp phần quan trọng nhằm sự phát triển nền kinh tế dịch vụ và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, tại Hội nghị "Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn” do Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương tổ chức sáng nay (23/11) tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng trong những năm gần đây kim nghạch xuất khẩu các sản phẩm làng nghề có mức độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao, bình quân khoảng 10%/năm, có đóng góp không nhỏ vào tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

127209814_136753781189663_6790386028878602210_n.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2017, trong đó có một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn như: các sản phẩm gốm sứ đạt 539 triệu USD; sản phẩm mây tre cói thảm đạt 484 triệu USD; sản phẩm thêu, dệt thủ công đạt 139 triệu USD.

“Tuy trong bối cảnh của dịch Covid-19 nhưng 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ vẫn đạt 309 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019; sản phẩm mây tre cói thảm đạt 250 triệu USD tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2019; sản phẩm thêu, dệt thủ công đạt 90 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo đó, thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng được mở rộng, trong đó thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Ngoài các thị trường truyền thống, các thị trường mới như Tây Ban Nha, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan cũng đang tăng nhập hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Hiện, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thị trường hàng thủ công mỹ nghệ toàn cầu rất lớn, chỉ tính riêng hàng gốm sứ để bàn thì kim ngạch toàn cầu năm 2018 đạt 59 tỷ USD, hàng mây tre lá đạt 41 tỷ USD. Như vậy, thị phần các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chủ lực của Việt Nam còn rất nhỏ chiếm chưa tới 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu.

Xu hướng chuyển mạnh sang mô hình tổ chức sản xuất hợp tác

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) các địa phương đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, số lượng sản phẩm tham gia Chương trình, mẫu mã, chất lượng được từng bước khẳng định, hình thành nhóm sản phẩm đặc sản vùng miền.

Đến năm 2020, tổng số các sản phẩm thuộc các nhóm ngành nghề nông thôn đã được chuẩn hóa và cấp giấy chứng nhận từ 3 sao trở lên là 1.337 sản phẩm. Hiện, cả nước chỉ có 103/1951 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận có sản phẩm chuẩn hóa và cấp giấy chứng nhận từ 3 sao trở lên. 

Các tổ chức sản xuất ngành nghề nông thôn hiện nay bao gồm 9.459 doanh nghiệp; 3.382 hợp tác xã; 6.553 tổ hợp tác và trên 797.600 hộ gia đình. Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, hình thức tổ chức sản xuất đã có xu hướng chuyển mạnh sang các mô hình tổ chức liên kết sản xuất, trong đó tăng 3.459 doanh nghiệp, 882 hợp tác xã và 1.553 tổ hợp tác.

Ở nhiều địa phương đã hình thành hệ thống các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư liên kết với các hộ gia đình, làng nghề trong cung ứng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm tăng nhanh sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Điển hình tại tỉnh Ninh Bình và Vĩnh Long đã hình thành một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng mây, tre, lá liên kết với hàng trăm làng nghề, hàng chục nghìn hộ gia đình để đào tạo nghề, cung cấp nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành sinh vật cảnh hình thành ở 6.062 xã, phường thị trấn, 406 huyện, thành thị và 56/63 tỉnh, thành với hơn 4.600 doanh nghiệp và trên 11.000 chủ nhà vườn.

Đồng thời, tăng cường áp dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các cơ sở ngành nghề tại làng nghề xây dựng website giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề; xây dựng bộ tư liệu, thông tin về các làng nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố làm cơ sở quảng bá, phát triển du lịch làng nghề. Xây dựng các chương trình truyền thông, các tài liệu quảng bá cho ngành một cách chuyên nghiệp.

Xây dựng các sản phẩm có tính sáng tạo mới

Để phát triển ngành nghề nông thôn thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các các bộ ngành, địa phương cần tập trung hỗ trợ các cơ chế chính sách để làm sao phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa. Nhiều ngành nghề phát triển tốt như gốm, thêu, mây tre đan… nhưng còn vướng thị trường tiêu thụ cho nên cần hỗ trợ theo chuỗi để vừa hỗ trợ được vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, công nghệ cải thiến máy móc vừa xúc tiến thương mại.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, quan trọng nhất của các ngành nghề nông thôn là xây dựng được các sản phẩm có ý tưởng sáng tạo. Do đó, cần nâng cao vai trò của các hiệp hội, ngành hàng nông thôn; xây dựng một số trung tâm bảo tồn và phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn ở những nơi có lợi thế để nơi đây có thể tập hợp nguồn lực, nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm mới cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) người đầu tiên ở Việt Nam ghi dấu ấn thành công từ sản phẩm sáng tạo lụa dệt từ tơ sen cho biết, vải tơ sen đòi hỏi sự tỉ mỉ và dày công thực hiện, song người sành vải rất yêu thích. Đó là động lực để những nghệ nhân như bà tiếp tục nghiên cứu làm sao để nâng cao chất lượng, rút ngắn các công đoạn sản xuất. Đồng thời, tiếp tục lưu giữ những nét tinh hoa làng nghề Việt và gia tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người dân ở nhiều độ tuổi lao động.

127225064_169249244869672_1970230720991083387_n.jpg
Nghệ nhân Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) mong muốn lưu giữ và phát huy sự sáng tạo các tinh hoa làng nghề Việt.

Cục trưởng Lê Đức Thịnh cũng khẳng định, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề đã tạo việc làm, thu nhập cho trên 2,3 triệu lao động nông thôn, tương lai có thể là 4-5 triệu lao động vào năm 2025, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động ngành nông nghiệp giảm từ 40% năm 2017 xuống còn 32,8% năm 2020, nhưng sản lượng và thu nhập khu vực vẫn tăng về giá tuyệt đối. Mức thu nhập của lao động ngành nghề cao gấp 2,0 lần so với thu nhập của lao động thuần nông.

“Ngành nghề và ngành nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn để phát triển và tạo ra sự phát triển lan tỏa đối với kinh tế nông thôn, kéo theo sự phát triển các ngành sản xuất nguyên, vật liệu (ví dụ: mây, tre, lanh, cói, trồng rừng..), các ngành dịch vụ thời gian qua.

Cùng với nhu cầu tăng lên ở các thị trường, việc giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do và các biện pháp tăng cường năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu, cải tiến mẫu mã thiết kế sản phẩm, hợp chuẩn quốc tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đạt trên 12%/năm, dự kiến có thể đạt trên 4,0 tỷ USD vào năm 2025”, Cục trưởng Lê Đức Thịnh khẳng định.

https://kinhtenongthon.vn/kim-ngach-xk-hang-thu-cong-my-nghe-se-dat-tren-4-ty-usd-nam-2025-post39176.html