Giáo viên khoác áo blu trắng và những học sinh đặc biệt tại Trung tâm Huyết học Truyền máu tỉnh Nghệ An

15:40 - 27/02/2021

Những giáo viên lên lớp với chiếc áo blu trắng, còn phía dưới học sinh cũng rất đặc biệt, tất cả đều là bệnh nhân nhí đang điều trị tại đây.

115

Hơn 3 tháng nay, những giáo viên khoác áo blu trắng vẫn đều đều lên bục giảng giúp những bệnh nhân nhí bổ sung kiến thức, quên đi mệt mỏi trong quá trình điều trị.

Hơn 3 tháng nay, lớp học “Chắp cánh ước mơ” tại Trung tâm huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An đã được tổ chức. Ở đây giáo viên lên lớp khoác chiếc áo blu trắng còn phía dưới những học sinh cũng vô cùng đặc biệt, khi các em đều là bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm.

Bác sĩ Nguyễn Đình Khuê - Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh Nghệ An, lớp học “Chắp cánh ước mơ” xuất phát từ mong muốn của nhiều bệnh nhi khi phải rời ghế nhà trường điều trị tại trung tâm dài ngày. Sau đó, trung tâm đã phối hợp các cô giáo trên địa bàn và một nhóm thiện nguyện mở lớp dạy cho các bé ngay tại khoa vào mỗi tối.

116

Cậu học trò đặc biệt luôn được "giáo viên" bế đến lớp.

Để có bàn ghế, sách vở, đồ dùng, loa máy...ngoài sự ủng hộ của các bác sĩ đang làm việc tại đây, Trung tâm cong kêu gọi sự hỗ trợ bên ngoài. Đơn cử như 10 bộ bàn ghế được một giáo xứ trên địa bàn ủng hộ, sách vở, bút mực là do các y bác sĩ trong trung tâm đóng góp. Cứ như thế, lớp học dần dần đủ đầy các dụng cụ cần thiết.

Một phòng làm việc tại Trung tâm Huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An (phường Hưng Dũng, TP Vinh) rộng khoảng 20m2 được tân trang lại, bàn ghế và đồ dùng học tập được các y, bác sĩ, công nhân viên tại đây quyên góp để trang bị cho lớp học đặc biệt. Những y, bác sỹ sau buổi làm việc lại khoác nguyên chiếc áo blu trắng bước lên bục giảng, kèm cặp cho các em nhỏ từng nét chữ.  

112

Mỗi bàn học đều có bác sĩ, y tá "kèm" để đảm bảo sức khỏe cho các em.

Bác sĩ Phạm Quốc Hội – Trưởng kho Bệnh máu tổng hợp 2 chia sẻ, xuất phát từ mong muốn giúp các em không quên con chữ trong quá trình điều trị dài ngày tại trung tâm. Đồng thời giúp các em có cảm giác ở trường lớp không phải bỏ lỡ học hành, quên đi những mệt mỏi trong quá trình điều trị, lạc quan hơn với cuộc sống phía trước. Lớp học được tổ chức, ban đầu chỉ hướng đến các em nhỏ có thời gian điều trị dài ngày ở trung tâm, về sau có nhiều người lớn tuổi chưa biết chữ cũng tham gia.

“Dù khoảng thời gian mỗi buổi học chỉ kéo dài khoảng 2 tiếng, nhưng các em rất chăm chú với từng con chữ, từng bài học, các bác sĩ, tình nguyện viên rất ấm lòng. Mỗi tối các cháu rất háo hức, cứ mong đến tối để đi học”, Bác sĩ Phạm Quốc Hội tâm sự.

114

Những học sinh chăm chú học bài, quên đi mệt mỏi trong quá trình điều trị.

Thuộc diện học sinh lớn tuổi nhất lớp, em Vi Thanh Nhật (16 tuổi, quê xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương) đang điều trị chứng bệnh tan máu bẩm sinh, chia sẻ: “Mỗi năm em phải vào Trung tâm điều trị từ 6-7 lần, mỗi lần thường kéo dài từ 10-12 ngày. Bố mẹ không thể chăm sóc nên em tự sinh hoạt và điều trị 1 mình. Các y bác sỹ rất quan tâm, chăm sóc cho em tận tình, em còn được đi học, được anh chị dạy thêm kiến thức, bổ túc cho em những bài toán và kỹ năng sống mà em bị thiếu hụt do phải đi điều trị bệnh”.

Mỗi tối, khi lớp học được mở, tiếng ê a học của học sinh như xua tan không khí mệt mỏi sau quá trình điều trị. Các bác sĩ tại đây cũng hi vọng lớp học sẽ giúp tâm trạng của các học trò được thoải mái, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị, gắn kết giữa bác sĩ và bệnh nhân.

113

Học sinh chăm chú trong từng bài học của mình.

Do bị bệnh Hemophilia, nên Nguyễn Văn Vinh (SN 2011) luôn được một bác sĩ bế tới lớp học. Tối nào cũng vậy Vinh mong sớm đến giờ học để được lên lớp, qua những bài học, em như quên hết đi sự mệt mỏi mà căn bệnh đang hành hạ bản thân mình

https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/giao-vien-khoac-ao-blu-trang-va-nhung-hoc-sinh-dac-biet-tai-trung-tam-huyet-hoc-truyen-mau-tinh-nghe-an-d149682.html