Gia Lai: Giải 'bài toán' bảo tồn văn hóa dệt thổ cẩm

18:15 - 03/01/2021

Bao đời nay, cùng với các lễ hội truyền thống, dệt thổ cẩm là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, các dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai nói riêng bởi nó mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất, con người nơi đây.


 Truyền dạy nghề dệt tổ cẩm cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại ngày nay đang khiến văn hóa dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ mai một. Các địa phương trong tỉnh dù đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn nét văn hóa này, song đây vẫn là “bài toán” khó có lời giải.

Còn nhiều khó khăn

Những họa tiết, hoa văn tinh tế quyện với gam màu quyến rũ, qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân thổ cẩm nơi đây đã tạo ra những sản phẩm thổ cẩm khẳng định được nét độc đáo đậm bản sắc văn hóa cổ truyền của các tộc người khu vực Đông Trường Sơn nhiều năm qua.

Mặc dù vậy, nét đẹp truyền thống này lại đang phải đối mặt với bài toán nan giải trong việc bảo tồn. Sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ. Hiện sản phẩm làm ra mới chỉ dừng ở mức cung cấp cho một vài trường phổ thông dân tộc nội trú các địa phương và một số ít các cơ quan trong tỉnh đặt hàng làm quà tặng. Các sản phẩm còn lại chủ yếu để phục vụ trưng bày chụp ảnh lưu niệm. Điều này khiến nghề dệt thổ cẩm truyền thông chưa thực sự là "địa chỉ" tin cậy để chị em gắn bó lâu dài.

Kông Chro là huyện có số lượng nghệ nhân dệt thổ cẩm khá lớn trong tỉnh Gia Lai, với 330 người. Trong đó, làng Nghe Lớn (nay là tổ dân phố PleiNghe, thị trấn Kông Chro) là một trong những điểm sáng về bảo tồn nét văn hóa đặc sắc dệt thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện Kông Chro.

Nghệ nhân Đinh Thị Hrin, trú tại tổ dân phố PleiNghe, thị trấn Kông Chro tâm sự, bà bắt đầu truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ từ năm 2005 và đến bây giờ đã có hơn 500 học viên có thể tự mình dệt được. Tuy nhiên, để có được một sản phẩm thổ cẩm hoàn hảo, không chỉ có kỹ thuật dệt mà còn bao gồm nhiều công đoạn rất cầu kỳ. Việc xây dựng vùng nguyên liệu trồng bông vải, các loại cây lấy rễ, hoa để làm phẩm màu nhuộm cũng gặp rất nhiều khó khăn vì không có kinh phí.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kông Chro cho biết thêm: Hiện nay, lớp nghệ nhân am hiểu nghề dệt càng lúc càng lớn tuổi, trong khi lớp trẻ chưa thực sự chú tâm. Ngoài ra, vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, các sản phẩm thổ cẩm tìm đầu ra rất khó, chủ yếu chỉ phục vụ nội bộ, nhóm cộng đồng riêng lẻ… nên công tác bảo tồn gặp nhiều thách thức.

Nỗ lực tìm đầu ra

Tỉnh Gia Lai hiện có hàng ngàn nghệ nhân dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, các nghệ nhân chỉ làm phục vụ nhu cầu cá nhân và số ít khách du lịch đặt hàng nên nghề dệt thổ cẩm dần vắng bóng ở các buôn làng. Ngoài ra, những sản phẩm may mặc hiện đại ngày càng phong phú và đa dạng về mẫu mã khiến người dân dần thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống. Người dệt thổ cẩm đã cố gắng cách tân về mẫu mã, để sản phẩm không còn đơn điệu nhưng đầu ra vẫn không mấy cải thiện, sức tiêu thụ vẫn không biến chuyển.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dệt thổ cẩm, các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đã nỗ lực đưa ra các giải pháp để tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, đặc biệt phải kể đến việc thành lập các Câu lạc bộ dệt thổ cẩm tại các xã để phụ nữ trong làng duy trì đam mê và phát huy giá trị của nghề dệt thổ cẩm truyền thống.


 Câu lạc bộ dệt thổ cẩm xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah (Gia Lai) cùng nhau vượt khó bảo tồn nghề dệt truyền thống.

Chị H’Uyên Niê, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah chia sẻ, Câu lạc bộ dệt thổ cẩm của xã đang gặp rất nhiều khó khăn do không tìm được nguồn tiêu thụ sản phẩm vì bà con dệt bằng nguyên liệu truyền thống và thủ công nên giá thành cao khó cạnh tranh. Do đó, trước mắt, Hội Phụ nữ xã cố gắng vận động, khích lệ tinh thần các chị em tự học hỏi những người lớn tuổi để giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc. Cùng với đó, Hội Phụ nữ xã còn tích cực vận động các hội viên trồng cây bông để có nguyên liệu gốc phục vụ cho nghề dệt theo đúng truyền thống.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Phòng Quản lý di sản Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Để nỗ lực lưu giữ nét văn hóa truyền thống này, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh đã đầu tư đề tài nghiên cứu về hoa văn và thổ cẩm. Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Gia Lai (trực thuộc Sở) đã có nhiều công trình nghiên cứu về thổ cẩm. Ngoài ra, Sở đang đề xuất lên các cấp có thẩm quyền những giải pháp để cán bộ, giáo viên, học sinh ở các trường nội trú hay những người nghiên cứu văn hóa có được hiểu biết nhất định về văn hóa từng dân tộc thông qua trang phục của mình. Mong rằng thời gian tới, các ban, ngành của tỉnh sẽ có hành động cụ thể trong việc bảo tồn nghề dệt cổ truyền của dân tộc Jrai, Bahnar tại tỉnh Gia Lai.

Cùng với nỗ lực của địa phương và người dân, để tạo động lực cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các bộ, ban, ngành chức năng.

https://vanhien.vn/news/gia-lai-giai-bai-toan-bao-ton-van-hoa-det-tho-cam-81616