Du lịch Việt Nam 2021 sẽ phục hồi nhanh với những xu hướng mới

10:04 - 02/01/2021

Lãnh đạo ngành nhận định du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn thế giới, chỉ cần 6 tháng đến một năm. Vì thế, kế hoạch cho nền "kinh tế xanh" phát triển trở lại trong giai đoạn mới đã sẵn sàng.

Ngành du lịch nước nhà vừa khép lại một năm nhiều biến cố với con số thiệt hại lên tới 23 tỷ USD, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, hàng triệu lao động mất việc làm hoặc nghỉ giãn việc… do ảnh hưởng nặng nề từ cơn “siêu bão” COVID-19.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn của thế giới khi kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

['Cánh cửa' nào mở lối cho 'kinh tế xanh' Việt Nam phục hồi hậu COVID?]

Trước chặng đường năm 2021, nhìn lại một năm cũ qua đi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu đã có những chia sẻ về bức tranh du lịch Việt và những kế hoạch, triển vọng giai đoạn mới.

Du lịch Việt sẽ hồi phục nhanh hơn thế giới

- Du lịch là một trong những ngành đã trải qua nhiều sóng gió nhất năm 2020 do những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đánh giá lại ngành “kinh tế xanh” một năm qua, ông có thể nói điều gì?

Ông Hà Văn Siêu: Năm 2020 là một năm chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch thế giới và Việt Nam. COVID-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng toàn diện khiến tất cả buộc phải chủ động dừng các hoạt động du lịch. Ngành du lịch của tất cả các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng, trong đó những nước có ngành du lịch phát triển mạnh như Thái Lan, Singapore bị thiệt hại nặng nhất.

Thời điểm này, hầu hết các quốc gia không còn quá tập trung vào việc vớt vát lượng khách du lịch quốc tế ít ỏi, thay vào đó là tìm giải pháp để hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Theo đánh giá của Tổng cục du lịch, những thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam hiện tại đang được kiểm soát ở mức thấp nhất. Kết quả này bắt nguồn từ những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước như hỗ trợ về thuế đất, giá điện, giảm hoặc miễn phí tham quan tại nhiều điểm đến với các doanh nghiệp du lịch.

Du lich Viet Nam 2021 se phuc hoi nhanh voi nhung xu huong moi hinh anh 1Trải nghiệm gần gũi thiên nhiên đang là xu hướng du lịch được ưa thích ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: Xuân Mai/Vietnam+)

Các cơ quan quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương cũng tích cực hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng các gói kích cầu và chương trình ưu đãi nhằm thu hút khách tới tham quan ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tôi cho rằng đây là sự kết hợp thành công giữa đơn vị quản lý và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Việt Nam đã duy trì được hình ảnh điểm đến an toàn, trách nhiệm; hoạt động cung cấp thông tin về điểm đến, phòng dịch qua webinar (hội thảo trực tuyến). Trên các diễn đàn đa phương, hình ảnh Việt Nam được đánh giá tích cực, vẫn tiếp tục đạt được giải thưởng như liên tiếp là điểm đến hàng đầu châu Á về văn hóa, ẩm thực; điểm đến hàng đầu thế giới về di sản. Đây là những đánh giá rất tích cực của thế giới về một Việt Nam an toàn, hấp dẫn.

Tổn thất là vô cùng và khó tránh khỏi nhưng cũng qua đại dịch COVID-19 mà chúng ta từng bước có bài học kinh nghiệm để đánh giá tình hình và tìm giải pháp trong tình hình mới. Cùng với thách thức duy trì sự ổn định, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải tiếp tục đi tìm lời giải cho bài toán làm thế nào để phát triển khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

- Vậy ông nhận định thế nào về khả năng phục hồi và phát triển của diện mạo du lịch Việt Nam trong năm 2021?

Ông Hà Văn SiêuMới đây, Tổ chức Du lịch thế giới vừa đưa ra một báo cáo cho thấy trong năm 2020 ngành du lịch thế giới đã quay trở lại những năm 1990. Dự báo hết năm 2021, ngành du lịch sẽ có những hoạt động bình thường trở lại, nhưng để phục hồi phải mất từ 3-4 năm mới có thể quay trở về mốc 2019.

Du lich Viet Nam 2021 se phuc hoi nhanh voi nhung xu huong moi hinh anh 2Thưởng ngoạn vịnh Hạ Long bằng thủy phi cơ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo đánh giá của cá nhân tôi, Việt Nam vẫn có những cách đi riêng, giải pháp linh hoạt. Trải qua nhiều biến cố trong lịch sử mà chúng ta vẫn tồn tại được, cũng nhờ đó mới có kinh nghiệm về tính đa dạng của nhiều doanh nghiệp, học được cách “không bỏ trứng vào một giỏ.”

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp du lịch nhờ đa dạng ngành nghề trong thời điểm dịch bệnh nên giảm được thiệt hại. Tôi tin sự phục hồi của du lịch Việt Nam sẽ nhanh hơn thế giới, chỉ trong 6 tháng đến một năm.

Lên kế hoạch cho xu hướng mới

- Du lịch nội địa sẽ là "chìa khóa" quan trọng để ngành phục hồi sau "bão" COVID-19. Ông đánh giá thế nào về xu hướng của thị trường du lịch nội địa trong năm tới?

Ông Hà Văn Siêu: Du lịch nội địa hiện có ba xu hướng. Thứ nhất, vấn đề an toàn là yếu tố quan trọng nhất được du khách quan tâm.

Thứ hai, xu hướng du lịch đại trà sẽ tạm dừng, thay vào đó là xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ, cá nhân hóa lên ngôi, mở ra cơ hội cho các điểm đến mới và trải nghiệm mới. Điều này ảnh hưởng lớn đến xu hướng đầu tư.

Những điểm đến mới, chưa từng có sẽ phát triển. Những nơi còn lạc hậu, nguyên sơ sẽ có cơ hội được đầu tư phát triển. Mức độ đầu tư vào Nha Trang, Đà Nẵng sẽ giảm, thay vào đó là các điểm đến mới như Lai Châu, Mù Cang Chải (Yên Bái)... Do đó, các nhà đầu tư sẽ phải thích ứng.

Khách du lịch sẽ sử dụng những dịch vụ, trải nghiệm các hoạt động du lịch thiết thực và dần loại bỏ những nhu cầu không thiết thực. Các nhà thiết kế sản phẩm, dịch vụ phải tính đến đâu là lợi ích cho nhu cầu con người, lợi ích về mặt sức khỏe, văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực… Những hoạt động mang tính chất phong trào sẽ bị loại bỏ.

Du lich Viet Nam 2021 se phuc hoi nhanh voi nhung xu huong moi hinh anh 3Giới trẻ trải nghiệm trong một khu vui chơi giải trí ở Phú Quốc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thứ ba, du khách giờ đây chủ yếu chọn kết nối với dịch vụ nhờ công nghệ nên sản phẩm du lịch phải thích ứng theo bằng cách vừa cung cấp những trải nghiệm thực nhưng cũng vừa có nhiều hoạt động kết nối nhờ công nghệ.

Năm 2021, các nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi theo ba xu hướng. Những điểm đến từng “hot,” tập trung đông khách, có những khách sạn và khu nghỉ dưỡng hàng nghìn phòng sẽ không còn hấp dẫn các nhà đầu tư. Họ bắt đầu tìm đến các điểm đến mới, bắt đầu phân ra các khu riêng biệt, đa dạng hóa dịch vụ chuyên biệt. Họ không đầu tư theo quy mô lớn mà nhỏ, phân tán nhưng kết nối với nhau.

Các sản phẩm du lịch hướng đến sức khỏe con người, các loại hình du lịch thể thao, chữa bệnh, sinh thái, yoga, du lịch gần gũi với thiên nhiên sẽ lên ngôi và ngày càng trở nên quan trọng hơn sau đại dịch COVID-19.

Các sản phẩm du lịch cũng sẽ đi vào có chiều sâu bởi du khách hướng vào các loại hình du lịch có chất lượng. Các doanh nghiệp sẽ tập trung vào những hoạt động coi trọng nền tảng văn hóa bản địa.

- Với khả năng phục hồi nhanh như ông nhận định ở trên, thì trong năm 2021, kế hoạch của ngành du lịch là gì, thưa ông?

Ông Hà Văn Siêu: Bốn nhóm vấn đề sẽ được tập trung phát triển trong giai đoạn tới là: Cơ cấu lại thị trường du lịch thích ứng với bối cảnh xu hướng mới; tiếp tục tăng cường liên kết hợp tác công-tư; chuyển đổi số; liên kết chuỗi, liên kết vùng.

Thị trường khách du lịch sẽ được cơ cấu lại để thích ứng với bối cảnh mới. Thị trường khách du lịch quốc tế vẫn tạm thời đóng băng, trong khi dòng khách du lịch nội địa sẽ trở thành nguồn thu chủ yếu.

Mối liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được tăng cường chặt chẽ để tạo ra những chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Sự liên kết giữa các điểm đến, các vùng du lịch sẽ tạo nên chuỗi cung ứng dịch vụ, xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp với xu hướng du lịch hiện nay của du khách.

Cuối cùng, công nghệ sẽ được khuyến khích ứng dụng rộng rãi hơn để hỗ trợ du khách có những trải nghiệm du lịch thông minh và an toàn hơn.

Du lich Viet Nam 2021 se phuc hoi nhanh voi nhung xu huong moi hinh anh 42020 là một năm nghỉ dưỡng cao cấp có mức giá ưu đãi cho du khách Việt nhằm kích cầu nội địa. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Toàn ngành cũng đã chuẩn bị tâm thế mới để bước vào năm 2021 với những triển vọng mới, tìm một hướng đi phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu cho du lịch, từ du lịch để phát triển kinh tế, xã hội.

Ngoài ra, năm 2020, xu hướng du lịch trên thế giới cũng như Việt Nam đã thay đổi do những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID, dẫn tới dòng du khách thay đổi nên người làm du lịch phải nắm bắt được và đi theo xu hướng mới. Năm 2021, trước mắt ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thể đón khách quốc tế mà tập trung vào dòng khách nội địa.

https://www.vietnamplus.vn/du-lich-viet-nam-2021-se-phuc-hoi-nhanh-voi-nhung-xu-huong-moi/686870.vnp